Oxy là một phần quan trọng không thể thiếu trong nuôi tôm. Việc quản lý oxy tốt sẽ dẫn đến vụ nuôi thành công.
Tuy nhiên, rất nhiều bà con nuôi tôm không biết rõ nguyên nhân cũng như dấu hiệu nhận biết tôm thiếu oxy. Tôm thiếu oxy sẽ dẫn đến tình trạng chậm lớn, chết rải rác và thậm chí dẫn đến mất mùa. Hãy cùng Chita Aqua tìm hiểu các nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách khắc phục hiện tượng này qua bài viết dưới đây.
- Vai trò của oxy đối với tôm nuôi
- Cách nhận biết tôm thiếu oxy
- Xác định nguyên nhân tôm thiếu oxy để xử lý kịp thời
- – Xác định nguyên nhân tôm thiếu oxy
- – Xác định chính xác hàm lượng oxy bị thiếu trong ao
- – Cách tăng oxy trong ao nuôi tôm hiệu quả
Vai trò của oxy đối với tôm nuôi
Oxy có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì sự sống của tôm. Cũng giống với con người, có oxy thì tôm mới tồn tại được. Vai trò của oxy bao gồm:
- Là nguyên liệu cho quá trình oxy hóa tạo ra năng lượng để cung cấp cho hoạt động của các cơ quan trong cơ thể.
- Là thành phần của các nhóm phân tử cấu trúc chính trong các cơ tôm như chất đạm (Protein), chất bột đường (Carbohydrate), mỡ (Lipid),…
- Có trong các hợp chất vô cơ để cấu tạo thành răng và xương.
- Tham gia vào các phản ứng biến dưỡng và các phản ứng sinh hóa khác.
Hình 1. Oxy có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì sự sống của tôm.
Mang tôm (hoặc các loài giáp xác nói chung) thì phát triển từ gốc chân ngực, có lớp Chitin mỏng bao suốt bề mặt mang, gốc mỗi mang có trục trung tâm chứa mạch máu đi vào và đi ra. Chúng sẽ hô hấp hoàn toàn trong nước và oxy lấy từ môi trường trong nước. Nếu tôm thiếu oxy sẽ dẫn đến những tình trạng như:
- Tôm bỏ ăn, ăn chậm hoặc ăn ít dẫn đến dư thừa thức ăn trong ao, từ đó làm biến động các yếu tố chất lượng nước ao nuôi, làm tích tụ khí độc H2S, NH3.
- Tôm dễ bị bệnh: Trong ao nuôi tôm thiếu oxy sẽ dễ tích tụ khí độc, các yếu tố này sẽ tác động ngược lại ở trên tôm, làm tôm yếu, sức đề kháng giảm và dễ bị các loại vi khuẩn xâm nhập gây bệnh.
- Ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng, sinh sản của tôm: Trường hợp oxy hòa tan thấp kéo dài làm cho tôm bị sốc, giảm tỷ lệ sống, sinh trưởng và phát dục của tôm.
Cách nhận biết tôm thiếu oxy
Thông thường, tôm thiếu oxy sẽ biểu hiện qua các dấu hiệu như:
- Tôm nổi đầu và bơi dạt bờ: Đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy ao nuôi đang bị thiếu oxy, dưới nước không đủ lượng oxy cho tôm hô hấp, nên tôm phải ngoi lên bờ hoặc bơi dạt bờ để tìm kiếm oxy.
Hình 2. Tôm thiếu oxy thường ngoi lên gần mặt nước.
- Tôm ăn ít hoặc bỏ ăn: Khi lượng oxy trong ao thấp, tôm không bơi xuống đáy săn mồi dẫn đến tình trạng tôm bỏ ăn.
- Tôm chết rải rác hoặc hàng loạt vào buổi sáng: Quan sát tôm sẽ thấy mang tôm từ màu trắng ngà chuyển sang màu hồng – một dấu hiệu bà con cần lưu ý rằng ao nuôi tôm đang thiếu oxy.
Xác định nguyên nhân tôm thiếu oxy để xử lý kịp thời
– Xác định nguyên nhân tôm thiếu oxy:
Có rất nhiều nguyên nhân gây thiếu oxy trong ao nuôi tôm, bà con nên quan sát thường xuyên để phát hiện tôm thiếu oxy kịp thời:
- Thả nuôi ở mật độ dày: Nếu mật độ nuôi tôm cao hơn mức bình thường thì khả năng ao nuôi thiếu oxy có thể xảy ra.
- Chất thải trong ao quá nhiều: Khi chất thải trong ao nuôi quá nhiều thì quá trình phân hủy các chất hữu cơ trong nước sẽ diễn ra và quá trình này tiêu tốn rất nhiều oxy trong nước dẫn đến tình trạng thiếu oxy cục bộ trong ao.
- Tảo tàn, hiện tượng sụp tảo cũng làm cho ao nuôi tôm thiếu oxy tức thời: Đặc biệt là tảo lam, tảo đỏ, tảo nở hoa cũng tiêu tốn nhiều oxy trong nước vào buổi tối dẫn đến tình trạng thiếu oxy.
- Ao nuôi nhiều khí độc: Khí độc trong nước lên cao như NH3/NH4, NO2, NO3, H2S làm ảnh hưởng đến oxy trong nước nuôi tôm.
- Do áp suất khí quyển giảm, nước ao nuôi quá sâu, không có gió lưu thông dẫn đến ao tôm thiếu oxy.
– Xác định chính xác hàm lượng oxy bị thiếu trong ao:
Hàm lượng oxy lý tưởng nhất trong ao là từ 4 ppm trở lên để tôm duy trì tình trạng hoạt động bình thường, giúp tôm tăng trưởng tốt cũng như ổn định chất lượng nước tại mọi thời điểm trong ngày và trong suốt vụ nuôi.
Để biết chính xác hàm lượng oxy bị thiếu trong ao nuôi tôm bà con có thể sử dụng máy đo DO cầm tay hoặc bộ test SERA O2 để kiểm tra. Các chuyên gia trong nuôi trồng thủy sản cũng khuyến cáo bà con nên thực hiện đo nồng độ oxy hòa tan trong ao nuôi ít nhất 1 lần/1 ngày để sớm phát hiện tôm thiếu oxy và có biện pháp xử lý kịp thời, tránh làm ảnh hưởng đến tôm.
+ Sử dụng máy đo DO hòa tan:
Sử dụng máy đo DO hòa tan, bà con có thể tìm mua ở các nơi uy tín, sử dụng thiết bị này sẽ giúp ta kiểm soát được chất lượng nước để đảm bảo môi trường sống cho tôm, ngoài ra còn giúp cân bằng hệ sinh thái cho ao nuôi:
- Bước 1: Bà con cần vệ sinh điện cực của máy để đảm bảo hiệu quả và độ chính xác của phép đo.
- Bước 2: Hiệu chuẩn máy với dung dịch hiệu chuẩn được cung cấp khi bà con mua máy đo. Sau đó, vệ sinh lại điện cực cho sạch sẽ.
- Bước 3: Đo DO của dung dịch bằng cách nhúng điện cực vào dung dịch mẫu và khuấy nhẹ. Chú ý để không có điện khí bám trên điện cực.
- Bước 4: Chờ cho giá trị hiển thị trên màn hình ổn định rồi quan sát và lấy kết quả.
Hình 3. Máy đo DO cầm tay dùng trong ao nuôi tôm.
+ Sử dụng test kit SERA O2:
Ngoài sử dụng máy đo DO cầm tay, bà con có thể sử dụng test kit SERA O2 để kiểm tra xem ao nuôi có bị thiếu oxy hay không. Hướng dẫn sử dụng test kit SERA O2:
- Bước 1: Làm sạch lọ thủy tinh nhiều lần bằng mẫu nước cần kiểm tra, sau đó đổ đầy mẫu nước đến mép lọ. Lau khô bên ngoài lọ.
- Bước 2: Lắc đều chai thuốc thử trước khi sử dụng. Nhỏ 6 giọt thuốc thử số 1 + 6 giọt thuốc thử số 2 vào lọ chứa mẫu nước cần kiểm tra, lưu ý đậy nắp lọ thử ngay sau khi nhỏ (phải bảo đảm không có bất kỳ bọt khí nào trong lọ), lắc đều sau đó mở nắp lọ ra.
- Bước 3: Đặt lọ thử nơi nền trắng của bảng so màu, so sánh màu kết tủa của lọ với các cột màu và xác định nồng độ oxy (mg/l). Nên thực hiện việc so màu dưới ánh sáng tự nhiên, tránh ánh sáng trực tiếp mặt trời chiếu vào.
- Bước 4: Làm sạch trong và ngoài lọ thủy tinh bằng nước máy trước và sau mỗi lần kiểm tra.
– Cách tăng oxy trong ao nuôi tôm hiệu quả:
Khi phát hiện ao nuôi tôm thiếu oxy bà con cần:
- Khẩn cấp bật hết quạt nước, sử dụng oxy tức thời. Đồng thời tiến hành thay 30-50cm nước.
- Dùng oxy viên rải đều khắp ao để bổ sung oxy cho ao nuôi, ngoài ra bà con cũng nên giảm ăn hoặc ngừng cho ăn tùy vào tình hình ao nuôi đối với trường hợp ao nuôi bị nặng.
- Sử dụng kết hợp các loại vi sinh, đặc biệt là các chủng vi sinh yếm khí để xử lý triệt để những mầm mống vi khuẩn gây hại và khí độc sâu dưới đáy ao. Sau đó bà con nên kết hợp bổ sung Vitamin C và các loại Vitamin tổng hợp và khoáng chất cần thiết cho tôm để tôm nhanh phục hồi sức khỏe.
- Xi phông đáy ao thường xuyên để loại bỏ chất thải, tránh để chúng tồn đọng nhiều cạnh tranh oxy với tôm.
——————————————————————————————————–
Công ty Chí Thành Aqua
- Địa chỉ: 611 Trần Đại Nghĩa, Phường Tân Tạo A, Quận Bình Tân, Thành Phố Hồ Chí Minh.
- Hotline: 0972347249
- Xem sản phẩm Chita Aqua: TẠI ĐÂY
- Facebook fanpage: Link
- Tiktok: Link